Hướng dẫn Kỹ thuật trồng cây Quế

1. Đất và thực bì trên đất để trồng rừng

– Đất đai: Có thể trồng Quế trên nhiều loại đất khác nhau (trừ đất đá vôi, đất cát, đất ngập úng) và có độ dày tầng đất trên 50cm; đất ẩm nhưng thoát nước tốt; đất nhiều mùn (>3%) và độ pHKCL = 4,0 – 5,5.

– Thực bì trên đất:

+ Trạng thái thực bì thích hợp với việc trồng Quế là dạng rừng thứ sinh nghèo kiệt (ứng với trạng thái IC), rừng Tre, Giang, Nứa hoặc cây bụi có cây gỗ tái sinh hỗn tạp rải rác, đất có thực bì tái sinh sau nương rẫy.

+ Không trồng Quế trên các loại đất không còn tính chất đất rừng (ứng với trạng thái thực bì là IA, IB) như: Đất trống đồi núi trọc, nơi chỉ còn thảm cỏ cây bụi chịu hạn, có tranh xấy, nơi không còn hoàn cảnh rừng.

2. Nguyên tắc và kỹ thuật xử lý thực bì

– Nguyên tắc:

+ Tùy theo biện pháp kỹ thuật gây trồng, công thức trồng để chọn cách xử lý thực bì theo hướng có lợi cho sinh trưởng của cây trồng và hạn chế tới mức thấp nhất mức độ rửa trôi của lớp đất mặt.

+ Tận dụng triệt để khả năng phòng hộ của thực bì sẵn có, nhất là những nơi có độ dốc cao, lượng mưa lớn (đối với trồng rừng phòng hộ, đặc dụng).

+ Phải để độ tàn che ban đầu cho trồng rừng đối với loài cây Quế là 0,3 – 0,4.

– Xử lý thực bì: Với đối tượng thực bì chủ yếu là rừng nghèo kiệt không còn giá trị kinh tế, rừng phục hồi sau nương rẫy, thảm cây bụi có cây gỗ rải rác, công tác xử lý thực bì bao gồm các nội dung sau:

+ Luỗng phát toàn diện dây leo, cỏ dại, gốc Tre, Giang, Nứa, đối với rừng nghèo, rừng phục hồi chừa lại cây tái sinh làm tàn che ban đầu, sẽ xử lý trong quá trình chăm sóc và điều chỉnh độ tàn che sau này. Cây chặt phải hạ sát gốc, băm nhỏ cành nhánh xếp gọn theo đường đồng mức và tận dụng lâm sản triệt để.

+ Phát dọn theo bằng: Với các đối tượng thực bì là cây bụi cao dưới 3m thì phát bang song song với đường đồng mức (băng chừa có thể rộng hơn nếu trồng mật độ thấp), trên bang chặt phát dọn toàn bộ cây cỏ, gốc chặt không cao quá 15cm.

3. Làm đất, đào hố

– Tiến hành làm đất theo hố, hố phải đào theo đường đồng mức.

– Cuốc lật hoặc xới đất rẫy có cục bộ 1m2 xung quanh vị trí đào hố, nhặt sạch rễ cây lớn (trên 2 cm).

_ Khi có mưa, đủ ấm tiến hành cuốc hố, hố kích thước 40cm x 40cm x 40cm; khi đào chú ý để riêng lớp đất mặt một bên phía trên dốc, chặt đứt toàn bộ rễ cây có trong long hố; hoàn thành việc đào hố trước khi trồng 1 tháng.

4. Bón phân (nếu có) và lấp hố

– Lượng phân bón: Theo mức hỗ trợ đầu tư cho từng loại rừng trồng (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất) và theo từng thời kỳ.

– Lấp hố: Trước khi trồng từ 10 – 15 ngày, đập tơi toàn bộ lớp đất mặt (đã nhặt sạch cỏ, rễ cây, đá lẫn và đá cục) trộn đều với phân NPK rồi cho xuống đáy hố sau đó đập tơi lớp đất cái lấp lên trên, hố lấp đầy hình mu rùa và cao hơn mặt đất tự nhiên 2cm – 3cm.

5. Thời vụ trồng và kỹ thuật trồng

– Thời vụ trồng: Trồng rừng vào 02 vụ

+ Vụ xuân hè: Là vụ trồng chính, khi thời tiết thuận lợi mưa nhiều bắt đầu trồng từ tháng 3 đến tháng 5. Nếu thời tiết mát, mưa kéo dài có thể kết thúc trồng vào trung tuần tháng 6.

+ Vụ thu: Trồng vào tháng 8 và tháng 9.

– Kỹ thuật trồng (trồng rừng bằng cây con có bầu):

+ Trồng rừng hoàn toàn phụ thuốc vào thời tiết, không nên trồng rừng vào những trận mưa nhỏ đầu tiên trong năm vì khi đó đất chưa đủ ẩm và chưa nắm chắc được thời tiết. Khi mưa đã có nước ngấm đều xuống đáy hố thì mới trồng.

+ Nên trồng cây vào những ngày trời râm mát, có mưa nhỏ,lặng gió và đất đủ ẩm. Không trồng cây vào những ngày mưa to gió lớn.

+ Dùng cuốc hoặc bay khơi rộng long hố vừa đủ đặt bầu cây, đặt bầu vào giữa hố, bầu và than thẳng đứng, đường kính cổ rễ cách mặt đất 2cm – 3cm, lấp đất tơi nhỏ (loại bỏ đá mẹ và cỏ dại) cáo tới 1/2 đến 2/3 bầu, nén chặt xung quanh (tránh làm vỡ bầu). Sau đó tiếp tục vun đất quanh gốc cây cao hơn mặt đất tự nhiên 5 – 10 cm. Nếu vỏ bầu bằng chất dẻo Polyetylen trước khi lấp đất phải rạch bỏ vỏ bầu (thu hồi vỏ bầu để tái chế và giảm ô nhiễm môi trường) để hệ rễ phát triển được bình thường.

6. Phương thức trồng, mật độ trồng

a) Phương thức trồng

Quế được trồng theo 4 phương thức: Trồng hỗn giao với cây bản địa, trồng vào rừng nghèo kiệt và rừng mới phục hồi sau nương rẫy, trồng thuần loài và trồng theo phương thức nông lâm kết hợp.

b) Mật độ trồng

– Đối với trồng rừng sản xuất: Trồng thuần loài kết hợp với nông lâm kết hợp, mật độ trồng 5.000 cây/ha.

– Đối với rừng phòng hộ, đặc dụng:

+ Trồng thuần loài: Mật độ trồng 5.000 cây/ha.

+ Trồng hỗn giao với cây bản địa: Mật độ trồng 5.000 cây/ha (4.500 cây Quế và 500 cây bản địa).

+ Trồng vào rừng nghèo kiệt và rừng mới phục hồi sau nương rẫy có độ tàn che từ 0,3 – 0,4: Mật độ trồng 2.000 cây/ha.

7. Cự ly trồng và bố trí cây trồng

– Đối với phương thức trồng thuần loài và trồng kết hợp với nông lâm kết hợp mật độ 5.000 cây/ha: Hàng cách hang 2,0 m, cây cách cây 1,0 m.

– Trồng hỗn giao với cây bản địa: Khoảng cách hang 2,0 m: Bố trí cứ 01 hàng cây bản địa và Quế đến 01 hàng cây Quế, cụ thể:

+ Hàng cây bản địa và Quế: Cây bản địa cách cây bản địa 5,0 m. Giữa 02 cây bản địa trồng 04 cây Quế với cự ly 1,0 m.

+ Hàng cây Quế: Cây cách cây 1,0m

– Trồng vào rừng nghèo kiệt và rừng mới phục hồi sau nương rẫy, mật độ 2.000 cây/ha: Hàng cách hang 2,5 m, cây cách cây 2,0 m.

Lưu ý: Đối với phương thức trồng vào rừng nghèo kiệt và rừng mới phục hồi sau nương rẫy: Khi cuốc hố, nếu gần vị trí xác định hố cuốc  để trồng Quế có cây tái sinh được giữ lại để làm độ tàn che ban đầu thì cuốc hố dịch sang bên cạnh (phải hoặc trái) tùy theo vị trí cây tái sinh và vị trí hố cuốc, đảm bảo mật độ cây trồng tương đối đều trên toàn bộ diện tích.

8. Tiêu chuẩn kỹ thuật cây giống trồng rừng

– Cây giống phải được đảo bầu cắt đứt các rễ cây ăn sâu xuống đất và giãn mật độ của bầu cho cây phát triển cân đối trước khi đem đi trồng 01 tháng.

– Cây sinh trưởng tốt than thẳng, không bị sâu bệnh và có 01 ngọn chính.

– Tiêu chuẩn kỹ thuật về đường kính gốc và chiều cao: Thực hiện theo các văn bản quy định hiện hành.

II. CHĂM SÓC RỪNG TRỒNG

1. Nội dung chăm sóc

– Trồng dặm các cây đã chết vào năm thứ 1 và thứ 2, phát dọn dây leo và cây cỏ lấn át cây trồng, giữ ẩm cho gốc cây và phòng trừ sâu bệnh phá hoại.

– Xới xáo xung quanh gốc cây thành 1 vòng tròn có đường kính 0,6 – 1,0 m cho những lần chăm sóc từ năm thứ nhất đến năm thứ 4 (theo thời vụ trồng rừng).

– Bón thúc (nếu có) cho mỗi cây 50 gam phân bón NPK, bón trong các rạch vòng tròn cách gốc 0,3 m – 0,4 m vào lần 1 chăm sóc của năm thứ 2 và năm thứ 3.

– Trong quá trình chăm sóc phải điều chỉnh độ tàn che cho cây Quế đến năm thứ 4 cây được phơi ra ánh sáng hoàn toàn.

2. Số lần chăm sóc

Rừng trồng được chăm sóc 7 lần trong 04 năm.

– Đối với rừng trồng vụ xuân hè: Từ năm thứ nhất đến năm thứ 3 chăm sóc mỗi năm 2 lần, năm thứ 4 chăm sóc 1 lần.

– Đối với rừng trồng vụ thu: Năm thứ nhất chăm sóc 01 lần, từ năm thứ 2 đến năm thứ 4 chăm sóc mỗi năm 02 lần.

3. Thời gian chăm sóc

a) Đối với rừng trồng vụ xuân hè

– Lần 1 của các năm 2 và 3 chăm sóc vào tháng 4 và tháng 5, riêng năm thứ nhất chăm sóc vào tháng 7 và năm thứ 4 chăm sóc vào tháng 10.

– Lần 2 của các năm 1, năm 2 và năm 3 chăm sóc vào tháng 10 và tháng 11.

b) Đối với rừng trồng vụ thu

– Lần 1 của các năm 2, năm 3 và năm 4 chăm sóc vào tháng 4 và tháng 5, riêng năm thứ nhất chăm sóc vào tháng 10.

– Lần 2 của các năm 2, năm 3, năm 4 chăm sóc vào tháng 10 và tháng 11.

4. Kỹ thuật chăm sóc

a) Đối với rừng trồng vụ xuân hè

– Năm thứ nhất:

+ Lần 1: Xới vun gốc đường kính rộng từ 0,6 – 0,8 m, gỡ dây leo và tra dặm những cây bị chết.

+ Lần 2: Phát dọn dây leo cây bụi lấn át cây trồng, giữ ẩm cho gốc cây và phòng trừ sâu bệnh hại. Tiếp túc xới vun gốc đường kính rộng từ 0,8 – 1,0 m.

– Năm thứ hai:

+ Lần 1: Phát dọn dây leo cây bụi lấn át cây trồng, giữ ẩm cho gốc cây và phòng trừ sâu bệnh phá hoại, tra dặm những cây bị chết. Bón thúc (nếu có) cho cây trồng. Xới vun gốc đường kính rộng từ 0,8 – 1,0 m.

+ Lần 2: Phát dọn dây leo cây bụi lấn át cây trồng, giữ ẩm cho gốc cây và phòng trừ sâu bệnh phá hoại. Xới vun gốc đường kính rộng từ 0,8 – 1,0 m.

– Năm thứ ba:

+ Lần 1: Phát dọn dây leo cây bụi lấn át cây trồng, giữ ẩm cho gốc cây và phòng trừ sâu bệnh phá hoại, tra dặm những cây bị chết. Bón thúc (nếu có) cho cây trồng. Xới vun gốc đường kính rộng từ 0,8 – 1,0 m.

+ Lần 2: Phát dọn dây leo cây bụi lấn át cây trồng, giữ ẩm cho gốc cây và phòng trừ sâu bệnh phá hoại. Xới vun gốc đường kính rộng từ 0,8 – 1,0 m.

– Năm thứ tư: Phát dọn dây leo cây bụi lấn át cây trồng, giữ ẩm cho gốc cây và phòng trừ sâu bệnh phá hoại.

b) Đối với rừng trồng vụ thu

– Năm thứ nhất chăm sóc 1 lần: Xới vun gốc đường kính rộng từ 0,6 – 0,8 m, gỡ dây leo và tra dặm những cây bị chết.

– Năm thứ hai:

+ Lần 1: Phát dọn dây leo cây bụi lấn át cây trồng, giữ ẩm cho gốc cây và phòng trừ sâu bệnh phá hoại, tra dặm những cây bị chết. Bón thúc (nếu có) cho cây trồng. Xới vun gốc đường kính rộng từ 0,8 – 1,0 m.

+ Lần 2: Phát dọn dây leo cây bụi lấn át cây trồng, giữ ẩm cho gốc cây và phòng trừ sâu bệnh phá hoại. Xới vun gốc đường kính rộng từ 0,8 – 1,0 m.

– Năm thứ ba:

+ Lần 1: Phát dọn dây leo cây bụi lấn át cây trồng, giữ ẩm cho gốc cây và phòng trừ sâu bệnh phá hoại, tra dặm những cây bị chết. Bón thúc (nếu có) cho cây trồng. Xới vun gốc đường kính rộng từ 0,8 – 1,0 m.

+ Lần 2: Phát dọn dây leo cây bụi lấn át cây trồng, giữ ẩm cho gốc cây và phòng trừ sâu bệnh phá hoại. Xới vun gốc đường kính rộng từ 0,8 – 1,0 m.

– Năm thứ tư:

+ Lần 1: Phát dọn dây leo cây bụi lấn át cây trồng, giữ ẩm cho gốc cây và phòng trừ sâu bệnh hại. Tiếp túc xới vun gốc đường kính rộng từ 0,8 – 1,0 m.

+ Lần 2: Phát dọn dây leo cây bụi lấn át cây trồng, giữ ẩm cho gốc cây và phòng trừ sâu bệnh phá hoại.

III. TỈA CÀNH VÀ TỈA THƯA NUÔI DƯỠNG

1. Tỉa cành: Đối với rừng trồng mật độ từ 4.500 cây – 5.000 cây/ha, khi rừng mới khép tán, cần xúc tiến tỉa cành nhân tạo.

2. Tỉa thưa nuôi dưỡng

– Với mật độ trồng 2.000 cây/ha: Căn cứ số lượng cây tái sinh hiện có và số lượng cây Quế để quyết định tuổi tỉa thưa nuôi dưỡng rừng.

– Với mật độ trồng Quế từ 4.500 cây – 5.000 cây/ha: Từ năm thứ 3 trở lên (tùy theo tình hình sinh trưởng của cây Quế để quyết định tuổi tỉa thưa nuôi dưỡng) tiến hành tỉa thưa nuôi dưỡng theo Quy phạm kỹ thuật trồng rừng Quế của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

IV. BẢO VỆ RỪNG TRỒNG QUẾ

1. Phòng trừ sâu bệnh

– Sâu ăn lá thường xuất hiện phá hoại; dung các biện pháp diệt trừ bằng cách phun dung dịch Trebon nồng độ 0,2%.

– Sâu đục thân dung đèn bẫy để bắt và diệt

– Bệnh tua mực phải chặt bỏ và đốt ngay cây bị bệnh.

– Tuân thủ các phương pháp phòng trừ sâu bệnh hại cho cây Quế theo các Điều, Khoản trong Quy phạm phòng trừ sâu, bệnh hại cho cây rừng đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành.

2. Phòng chống cháy rừng và tác hại khác

– Triệt để phòng chống cháy rừng, những nơi dễ gây hỏa hoạn phải có đường ranh cản lửa; tuyệt đối cấm việc đun nấu hoặc đốt ong trong rừng Quế;

– Không được để người và súc vật vào phá hoại rừng trồng; phải có bảng nội quy bảo vệ rừng bên ngoài mỗi khu vực trồng Quế.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *